Quy chế tuyển sinh và quản lý đào tạolái xe cơ giới đường bộ,Quy che tuyen sinh va quan ly dao taolai xe co gioi duong bo

#

Quy chế tuyển sinh và quản lý đào tạolái xe cơ giới đường bộ

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về công tác tuyển sinh và công tác quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng thống nhất đối với giáo viên, học sinh, các cán bộ quản lý, các Phòng, Khoa, Trung tâm có liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo và quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ trong toàn trường.
CHƯƠNG II
QUY ĐỊNH VỀ TUYỂN SINH LÁI XE
Điều 3. Các hạng xe được phép tuyển sinh đào tạo
Nhà trường chỉ tuyển sinh theo lưu lượng và đào tạo các hạng xe đã được Bộ GTVT và sở GTVT Hà Nội cấp phép là Hạng A1, B1, B2, C, D, E. Không tuyển sinh ngoài hạng xe được phép đào tạo này.
Điều 4. Đối tượng, Điều kiện được phép học và thi lấy giấy phép lái xe
  1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.
  2. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.
    + Đối với người học thi lấy giấy phép lại xe hạng A1, B1, B2 phải đủ 18 tuổi
    + Đối với người học thi lấy giấy phép lái xe hạng C phải đủ 21 tuổi
    + Đối với người học thi lấy giấy phép lái xe hạng D phải đủ 24 tuổi
    + Đối với người học thi lấy giấy phép lái xe hạng E phải đủ 27 tuổi
      - Có đủ sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
      - Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:
    + Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;
    + Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;
    + Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;
    + Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.
* Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.
Điều 5. Hồ sơ tuyển sinh
1. Hồ sơ của người học lái xe lần đầu
a) Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định
b) Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
c) Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;
d) Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
e) 06 ảnh màu 3x4 kiểu chứng minh thư
2. Người học lái xe nâng hạng lập 01 bộ hồ sơ bao gồm:
a) Giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo mẫu quy định và phải chịu trách nhiệm về nội dung khai trước pháp luật;
c) Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ dự sát hạch);
d) Bản sao giấy phép lái xe (xuất trình bản chính khi dự sát hạch).
Điều 6: Hình thức tuyển sinh.
- Tuyển sinh theo hình thức xét tuyển căn cứ theo lưu lượng được phép đào tạo và tiến độ các khóa đào tạo, không tuyển sinh vượt quá lưu lượng cho phép.
- Người học có nhu cầu học lái xe lần đầu hoặc nâng hạng giấy phép lái xe đến trường làm thủ tục đăng ký khóa học, nộp hồ sơ và nhận giấy hẹn đến ngày làm thu nhập học ký hợp đồng, đóng học phí, nhận kế hoạch đào tạo theo quy định.
Điều 7: Địa điểm tuyển sinh
1 - Trung tâm đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe địa chỉ số 67, Ngõ phố Hàng, phường Phú Thịnh – Sơn Tây – Hà Nội.
2 - Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 1, địa chỉ xã Thụy An, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
3 – Trung tâm Kỹ năng thực hành cơ giới đường bộ, địa chỉ Phường Giáp Bát, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội.
Điều 8: Quy trình tuyển sinh
Thực hiện theo các bước sau đây:
1. Trước các kỳ mở lớp đào tạo trong khoảng thời gian 20 ngày nhà trường thông báo tuyển sinh từng khóa học lên bảng tin của nhà trường hoặc qua kênh thông tin đại chúng cho cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân được biết về: các khóa sắp đào tạo, thời gian nhận hồ sơ, thời gian đào tạo, thời gian khai giảng, số lượng học viên cần tuyển.
2. Người có như cầu học nhận được thông tin đến trường làm thủ tục, nộp hồ sơ, ký hợp đồng, nhận giấy hẹn đến ngày nhập học. Cán bộ tuyển sinh có trách nhiệm hướng dẫn người học kê khai và nộp đơn đầy đủ, kiểm tra đủ các điều kiện cần thiết về hồ sơ mới ghi giấy hẹn cho người nhập học.
3. Người học lái xe các hạng B1, B2,C,D,E, khi đến nhập học phải ký hợp đồng đóng học phí. Học phí được thu làm 2 lần theo hợp đồng đã ký.
4. Trung tâm đào tạo, Trung tâm sát hạch lái xe có trách nhiệm bố trí giáo viên giảng dạy cho học sinh được học tập ngay theo đúng tiến độ khóa học như nội dung hợp đồng đã cam kết.
5. Riêng đối với người học lái xe Mô tô hạng A1 bộ phận tuyển sinh có trách nhiệm thông báo kế hoạch học và thi sát hạch giấy phép lái xe Mô tô hàng tháng cho người học biết. Căn cứ vào đó để nhận hồ sơ và hướng dẫn người học nộp học phí hẹn ngày đến học và ngày dự thi sát hạch.
Điều 9. Hình thức đào tạo
1. Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng A1 và ô tô hạng B1 được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký tại Trung tâm đào tạo, Trung tâm sát hạch lái xe để được ôn luyện, kiểm tra; riêng đối với các hạng B1 phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo.
2. Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E phải được đào tạo tập trung tại Trung tâm đào tạo lái xe và phải được kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo. Trong thời hạn trên 01 (một) năm kể từ ngày cơ sở đào tạo kết thúc kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp khóa đào tạo, nếu không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ ĐÀO TẠO LÁI XE
Điều 13: Đối với học viên
- Khi đến trường phải có tác phong gọn gàng, đi giầy hoặc dép có quai hậu không được đi dép lê khi tập lái.
- Chấp hành nghiêm các quy định về thời gian học lý thuyết và thực hành, đi học đúng giờ, nghỉ học phải xin phép, không vi phạm pháp luật. Nếu nghỉ quá 20% thời gian học lý thuyết môn học nào sẽ không đủ điều kiện dự thi kết thúc môn học đó. Trường hợp nghỉ dưới 30% thời gian học lý thuyết hoặc dưới 15% thời gian học thực hành phải được Trung tâm đào tạo lái xe cho ôn tập, phụ đạo các phần học còn thiếu sau đó mới được đề nghị cho thi kiểm tra kết thúc môn học đó.
- Học viên có đủ điểm Kiểm tra kết thúc môn học từ 5 điểm trở lên mới được dự thi kết thúc khóa học. Trường hợp có môn học điểm kiểm tra kết thúc môn dưới 5 điểm phải được Trung tâm đào tạo lái xe cho kiểm tra lại lần 2 nếu đạt yêu cầu sẽ được dự thi kiểm tra kết thúc cùng khoá học ngay, nếu đạt dưới 5 điểm sẽ phải chuyển xuống học khóa sau các môn chưa đạt yêu cầu.
- Học viên dự thi Kiểm tra kết thúc khóa học phải đạt từ 5 điểm trở lên đối với từng nội dung thi, nếu không đạt hoặc vì các lý do khác nhau không dự thi kiểm tra kết thúc khóa học, sẽ phải dự thi vào lần sau hoặc thi vào khóa sau liền kề.
- Đối với các trường hợp học viên đã ký hợp đồng và đóng học phí đầy đủ nhưng không theo học hoặc tự ý bỏ học không có lý do, không làm thủ tục xin thanh lý hợp đồng, không có đơn xin học lại vào các khóa sau nhà trường sẽ không có trách nhiệm hoàn trả kinh phí như đã cam kết trong hợp đồng.
Điều 14: Đối với giáo viên
- Các thầy, cô giáo khi lên lớp phải có tác phong sư phạm, mặc gọn gàng lịch sự, không đi dép lê khi giảng dạy, có tinh thần trách nhiệm cao với học viên, không sách nhiễu học viên.
- Soạn giáo án đầy đủ trước khi lên lớp, giáo án phải được phòng đào tạo nhà trường duyệt trước khi giảng dạy. Có đề cương bài giảng, chuẩn bị các tài liệu học cụ phục vụ cho bài giảng đầy đủ, không để tình trạng dạy chay, học chay. Thực hiện đúng thời gian giảng dạy theo kế hoạch, trường hợp không lên lớp được vì các lý do khác phải thông báo kịp thời với Trung tâm đào tạo, Trung tâm sát hạch lái xe để bố trí điều động người dạy thay đột xuất, không để tình trạng học sinh lên lớp mà không có giáo viên giảng dạy.
- Các giáo viên khi lên lớp dạy phải ghi chép sổ sách chuyên môn đầy đủ, không được để trống các nội dung ghi chép: Các sổ lên lớp, sổ thực hành lái xe, sổ tay giáo viên phải được cập nhật thông tin hàng ngày giảng dạy. Các cán bộ quản lý được giao nhiệm vụ khi đi kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất các giáo viên phải xuất trình đầy đủ sổ sách ghi chép đối với các khóa đang giảng dạy cho cán bộ kiểm tra, nếu không xuất trình được sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhà trường và trung tâm đào tạo lái xe.
- Đối với giáo viên dạy thực hành phải luôn đảm bảo xe hoạt động tốt, an toàn, có đầy đủ giấy tờ của xe tập lái, giấy tờ của giáo viên mới được đưa vào dạy thực hành, học viên khi tập lái trên đường phải đeo phù hiệu tập lái xe. Trường hợp không đủ các điều kiện trên giáo viên không được phép đưa xe vào tập lái, nếu để xảy ra mất an toàn với các lỗi trên giáo viên hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Điều 15. Đối với cán bộ quản lý và các Phòng, Khoa, Trung tâm.
- Thực hiện nhiệm vụ theo chức năng quản lý được phân công, cán bộ quản lý phải nhiệt tình trong công việc, hướng dẫn nghiệp vụ đầy đủ rõ ràng, không cửa quyền hách dịch, luôn có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp và tinh thần phục vụ nhân dân.
- Cán bộ phòng đào tạo, Trung tâm đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Hiệu trưởng gồm các công việc từ lập kế hoạch tuyển sinh, soạn thảo hợp đồng đào tạo, triển khai kế hoạch đào tạo tới các Phòng, Khoa, trung tâm kiểm tra đánh giá về chất lượng đào tạo, nghiệp vụ giáo viên, kiểm tra công tác quản lý các Phòng, Khoa, Trung tâm. Tham gia cùng Hội đồng xét điều kiện dự thi kiểm tra, tổ chức thi kiểm tra và công nhận tốt nghiệp cho học viên.
- Cán bộ phòng Tài vụ thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Hiệu trưởng giao các công việc thu học phí đào tạo theo hợp đồng, cấp phát kinh phí đào tạo theo kế hoạch và thanh quyết toán trong đào tạo.
- Cán bộ Trung tâm đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch tổ chức, dạy học lý thuyết và thực hành, phân công giáo viên giảng dạy, quản lý học sinh và giáo viên tại Trung tâm đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe mình quản lý.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC THỰC HIÊN
Điều 16. Quy chế này được áp dụng triển khai thực hiện trong công tác tuyển sinh và quản lý đào tạo nghề lái xe cơ giới đường bộ trong nhà trường có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 17. Phòng, Khoa, Trung tâm đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quy chế này, các phòng khoa ban liên quan theo chức năng nhiệm vụ được phân công thực hiện nghiêm túc các nội dung được quy định trong quy chế này. Những sai phạm xảy ra trong quá trình tổ chức đào tạo sẽ tùy theo mức độ sai phạm Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất.
Điều 18. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cá nhân, các đơn vị, Phòng, Khoa, Trung tâm đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe có ý kiến gửi về nhà trường qua Phòng đào tạo để tổng hợp báo cáo lãnh đạo trường nghiên cứu điều chỉnh bổ sung khi cần thiết.
HIỆU TRƯỞNG
(đã ký)       
 
 
 

Dương Thế Anh