TRƯỜNG CAO ĐẲNG GIAO THÔNG VẬN TẢI TRUNG ƯƠNG I - 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN,TRUONG CAO DANG GIAO THONG VAN TAI TRUNG UONG I - 50 NAM XAY DUNG VA PHAT TRIEN

#

TRƯỜNG CAO ĐẲNG GIAO THÔNG VẬN TẢI TRUNG ƯƠNG I - 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 
 
     Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I được được thành lập theo quyết định số 2121-CB5/QĐ ngày 18 tháng 7 năm 1968 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với tên gọi ban đầu là Trường Công nhân cơ giới I. Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, Nhà trường đã có 3 lần chuyển địa điểm, 4 lần đổi tên và nâng cấp, đến nay đã lớn mạnh và khẳng định được vị thế vững vàng trong khối các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

     Đó là một chặng đường đi lên rất đáng tự hào vì sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực của ngành Giao thông vận tải và đất nước, là thành quả quá trình lao động gian khổ, sáng tạo của các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh sinh viên đã chung tay, góp sức, vượt qua bao khó khăn, thử thách, phấn đấu không ngừng để Nhà trường ngày càng phát triển.

     Nhìn lại chặng đường phát triển trong 50 năm qua của nhà trường, ôn lại những khó khăn, thách thức cùng những thành tựu to lớn mà nhà trường đã đạt được, chúng tôi càng trân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả, thấm thía và biết ơn công lao của các thế hệ đi trước, sự phấn đấu của thế hệ hiện tại và vững tin vào sự phát triển trong tương lai.

     Từ những ngày đầu mới thành lập ở Quế Võ - Hà Bắc, rồi sơ tán về Mai Châu - Hoà Bình, hay những năm 1971-1972 chuyển về Ba Vì - Hà Tây, trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn thể Nhà trường vẫn đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Vì thế hàng ngàn học sinh tốt nghiệp của Trường đã phục vụ kịp thời cho cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, ngày đêm không quản vất vả, hiểm nguy bám trụ trên những cây cầu, những con đường huyết mạch của Tổ quốc và cả trên nước bạn Lào anh em, đảm bảo giao thông thông suốt, yếu tố quan trọng để đảm bảo cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Giáo viên, học sinh tham gia lao động xây dựng Trường trong những ngày mới về Thụy An – Ba Vì

     Sau khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc toàn thắng vào năm 1975, cả dân tộc bước vào xây dựng đất nước trong hoà bình. Đối với Nhà trường từ thời điểm này cũng đã ổn định tại cơ sở Ba Vì, toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh tập trung cho nhiệm vụ đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện lời dạy của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”. Giai đoạn 1986-1991 được Liên Xô viện trợ, Nhà trường bước vào thời kỳ xây dựng sôi động. Những khu nhà lớn đang được sử dụng hiện nay như nhà học chính 2 tầng, nhà giảng đường 400 chỗ ngồi, hệ thống nhà xưởng thực hành cơ khí, nhà ga ra ô tô, xe máy là sản phẩm của giai đoạn đó. Hệ thống cơ sở vật chất được xây dựng này đã làm cho Trường khang trang, bề thế hơn. Các công trình đó chính là biểu hiện của mối tình hữu nghị Việt –Xô trong sáng.

Thứ trưởng Bộ GTVT và Bưu điện GS.TSKH.Lã Ngọc Khuê và đại diện đại sứ quán Liên Xô cắt băng khánh thành Trường Công nhân cơ khí giao thông do Liên Xô viện trợ ngày 10/5/1991

     Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Nhà trường đã đa dạng hoá các loại hình đào tạo, mở ra nhiều ngành nghề mới, phục vụ đắc lực hơn cho các công trình xây dựng của ngành Giao thông vận tải và các thành phần kinh tế xã hội khác. Ngoài cơ sở chính tại Thuỵ An- Ba Vì, Trường đã có thêm 2 cơ sở nữa ở thị xã Sơn Tây và nội thành Hà Nội.

     Đến giai đoạn 2000-2006 Trường lại đón nhận một thuận lợi lớn nữa là nguồn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản trong khuôn khổ “Dự án giáo dục kỹ thuật và dạy nghề giành cho 15 trường trọng điểm”. Dự án đã giúp Trường bổ sung thêm nhiều cơ sở vật chất cùng hàng trăm xe máy, thiết bị thi công các loại và đào tạo bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề. Đồng thời với nguồn vốn viện trợ Trường cũng được nhà nước đầu tư nguồn vốn đối ứng để xây dựng các công trình phụ trợ. Nhờ có dự án quan trọng này mà Trường tiếp tục được hiện đại hoá, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của ngành Giao thông vận tải nói riêng và của cả nước nói chung. Sự thành công của dự án là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác quốc tế tốt đẹp, tràn đầy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
 
Lễ khánh thành dự án nâng cấp trường ngày 9 tháng 11 năm 2001

     Với sự phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và HSSV trong 50 năm qua, sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ GTVT, các bộ ngành, địa phương và sự giúp đỡ đầy hiệu quả của nhân dân hai nước Liên Xô và Nhật Bản-Trường đã có cơ sở vật chất khang trang (26.927 m2 diện tích xây dưng trên tổng diện tích đất 245.181m2); hệ thống thiết bị, đồ dùng dạy học đồng bộ, hiện đại; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ đã đào tạo cho ngành GTVT và các thành phần kinh tế xã hội khác được trên 50 nghìn công nhân, nhân viên kỹ thuật. Hầu hết số lao động đó đã và đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài đều phát huy tốt trình độ tay nghề đã được đào tạo, nhiều người đã trở thành lao động trụ cột trong các dây chuyền sản xuất. Điều đó đã góp phần quan trọng tạo nên uy tín và thương hiệu của Trường. Ba huân chương Độc lập (hạng Nhất, Nhì, Ba), ba huân chương lao động (hạng nhất, nhì, ba), 02 thầy giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 06 thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưư tú và nhiều bằng khen, cờ thưởng trên các mặt công tác là những phần thưởng cao quý, những thành tích đáng tự hào, điều đó đã minh chứng cho sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những công lao, cống hiến của các thế hệ nhà giáo của Trường.

Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức và lãnh đạo nhà trường tại Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
ngày 16/ 7/ 2010

     Trường là một trong các đơn vị đào tạo thuộc Bộ Giao thông vận tải được lựa chọn nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 826/QĐ-LĐTBXH ngày 7/7/2011 và được điều chỉnh theo Quyết định số 854/QĐ-LĐTBXH ngày 6/6/2013 và Quyết định số 2457/QĐ-BGTVT ngày 19/8/2013. Trong giai đoạn này Nhà trường đã được đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị và nhà xưởng với tổng giá trị xấp xỉ 43 tỉ đồng. Đây là tiền đề để Nhà trường tiếp tục được Nhà nước đầu tư phát triển thành trường nghề chất lượng cao theo Quyết định 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của thủ tướng chính phủ với 02 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, 01 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và 03 nghề cấp độ quốc gia. Đây là một thuận lợi lớn, song cũng là một thách thức không nhỏ, nhưng với truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó, năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên đã được rèn luyện trong nhiều năm qua, chắc chắn dự án sẽ được thực hiện thắng lợi để nhà trường có những bước tiến vượt bậc mới.

     Ngay từ đầu năm 2018, một sự kiện quan trọng nữa đang đến với nhà trường là đã được Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đưa vào danh sách các trường tham gia dự án “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” sử dụng vốn vay của ADB tài trợ, đây là dự án được ngân sách nhà nước hỗ trợ đến 90%. Tổng giá trị dự án dự kiến khoảng 4,6 triệu USD (khoảng 104 tỉ đồng), đây là nguồn đầu tư rất quan trọng cho việc phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới, giai đoạn phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0.

     Thi đua lập thành tích kỷ niệm 50 năm thành lập trường, ngay từ đầu năm thầy và trò nhà trường đã không ngừng phấn đấu thực hiện trên nhiều lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả như đã nâng lưu lượng đào tạo lái xe ô tô từ 700 lên 995 học viên theo giấy phép số 904/GP-SGTVT ngày 30/5/2018, được Bộ lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép Trung tâm đánh kỹ năng nghề quốc gia số 05/BLĐTBXH-GCNHĐ cấp ngày 14/6/2018; Nhà trường được đưa vào quy hoạch bổ sung thành cơ sở có Trung tâm Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ theo quyết định số 1228/QĐ-BGTVT ngày 13/6/2018. Đây là năm bản lề để từng bước thay đổi diện mạo nhà trường, tạo tiền đề cho sự phát triển thành trường chất lượng cao đến năm 2020.

     Đối với hoạt động dạy và học năm 2018 cũng có nhiều kết quả xuất sắc như tại Hội thi tay nghề quốc gia, học sinh sinh viên nhà trường giành kết quả xuất sắc với 01 giải nhất, 01 giải ba và 02 giải khuyến khích trong đó có học sinh Bùi Công Định được tiếp tục huấn luyện dự sát hạch tham gia thi tay nghề ASEAN vào tháng 9 năm nay.Đội ngũ nhà giáo cũng được Sở Lao động - TBXH Hà Nội tuyển chọn 03 giáo viên tham gia đoàn Hà Nội dự thi giáo viên dạy giỏi toàn quốc năm 2018.

     Trên đà thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước và những bước phát triển không ngừng của Nhà trường, với tuổi 50 vững vàng và tự tin, phát huy những truyền thống tốt đẹp, thế hệ hiện tại nhất định sẽ kế tục xứng đáng những truyền thống vẻ vang, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi “Chiến lược phát triển Nhà trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” là xây dựng Nhà trường trở thành Trường chất lượng cao theo Quyết định của thủ tướng Chính phủ.
TIỂU BAN NỘI DUNG – TRUYỀN THÔNG