Nhận diện đúng cơ hội nghề nghiệp,Nhan dien dung co hoi nghe nghiep

#
Trang chủ »TƯ VẤN VIỆC LÀM VÀ QUAN HỆ DOANH NGHIỆP

Nhận diện đúng cơ hội nghề nghiệp

Bên cạnh việc tạo ra những cơ hội lớn, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) cũng đang đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, lao động, việc làm trong thời đại 4.0. Phóng viên Báo Năng lượng Mới phỏng vấn GS.TS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.  

PV: Chất lượng nguồn nhân lực, lao động, việc làm trong thời đại CMCN 4.0 là chủ đề nóng được dư luận xã hội dành sự quan tâm đặc biệt. Thứ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

nhan dien dung co hoi nghe nghiep
GS.TS Lê Quân

GS.TS Lê Quân: Cuộc CMCN 4.0 đang tiến triển rất nhanh và tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều robot và các hệ thống tự động hóa, sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin, dữ liệu số lớn và trí tuệ nhận tạo, Internet vạn vật, đây là cơ hội rất tốt mà chúng ta phải nắm bắt để phát triển các ngành nghề, nâng cao năng suất lao động.

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tạo ra nguy cơ mất việc làm hàng loạt ở những ngành nghề sử dụng lao động trình độ tay nghề thấp, lao động giản đơn và lặp lại. Những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sẽ làm cho các kỹ năng trở nên lỗi thời nhanh hơn và đòi hỏi người lao động phải linh hoạt hơn. Những quan niệm về nghề nghiệp, ổn định nghề nghiệp theo truyền thống sẽ dần thay đổi. CMCN 4.0 có thể làm tăng sự phân hóa tiền lương và bất bình đẳng.

Như vậy, cuộc CMCN 4.0 sẽ đặt ra những yêu cầu mới đối với thị trường lao động, giáo dục đào tạo, chính sách an sinh xã hội...

PV: Thị trường lao động Việt Nam chịu tác động như thế nào từ CMCN 4.0, thưa Thứ trưởng?

GS.TS Lê Quân: Thị trường lao động Việt Nam đang phải đối diện với tác động kép từ ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo và từ hội nhập quốc tế. Không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng đang ở trong tình trạng như vậy. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam cũng đang phản ứng tích cực với những tác động này. Tỷ lệ thất nghiệp không tăng. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên và đáp ứng ngày càng sát với yêu cầu của các doanh nghiệp. Lao động nước ngoài chủ yếu làm ở một số phân khúc bậc cao và nhiều vị trí đang dần được lao động Việt Nam đảm nhiệm.

PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về khả năng tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức của người lao động Việt Nam?

GS.TS Lê Quân: Vấn đề quan trọng là chúng ta phải nhận diện được đúng những cơ hội và thách thức. Tôi tin tưởng vào khả năng tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức của lao động Việt Nam. Người Việt Nam được đánh giá là thông minh và sáng tạo. Kết quả PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) 2015 của Việt Nam lọt vào top 10. Chỉ số phát triển con người cũng được cải thiện liên tục. Đây là vấn đề được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm, cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội quan tâm, ưu tiên đầu tư.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, dự báo những tác động của CMCN 4.0 tới lao động, việc làm trong từng lĩnh vực, ngành nghề, để xác định và trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi công nghệ. Đó là đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập năng động, linh hoạt và hướng cầu; đổi mới hệ thống chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách về thị trường lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp; khai thác các chương trình hỗ trợ việc làm cho người lao động...

PV: Theo Thứ trưởng, đâu là giải pháp để giáo dục nghề nghiệp đóng góp hiệu quả vào việc cải thiện chất lượng, trình độ của người lao động?

GS.TS Lê Quân: Đó là tiếp tục các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm chương trình đào tạo nghề sát thực tiễn, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển nghề nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển nghề nghiệp. Phát triển hợp lý, bảo đảm công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa giáo dục nghề nghiệp công lập và giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người học, người sử dụng lao động và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cần huy động sự tham gia của toàn xã hội để tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp. Xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu đào tạo nghề chính xác, kịp thời, xác định rõ cơ cấu nghề đào tạo, cơ cấu trình độ nghề theo vùng, miền.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết định hướng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của CMCN 4.0?

GS.TS Lê Quân: Quy hoạch lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014. Đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo những kỹ năng mới, tiêu chuẩn mới hiện đại đáp ứng yêu cầu của ngành/doanh nghiệp, tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

PV: Được biết, Thứ trưởng đã có những trải nghiệm riêng về công nghệ thực tế ảo. Thứ trưởng có thể chia sẻ với độc giả Năng lượng Mới về vấn đề này?

GS.TS Lê Quân: Công nghệ thực tế ảo là một trong những công nghệ thuộc top tiên phong của cuộc CMCN 4.0, đã trở thành một xu hướng bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian gần đây và được coi là tương lai của công nghệ hiện đại.

Lợi ích lớn nhất của thực tế ảo là khả năng tương tác độc đáo, cho phép con người trên khắp thế giới giao tiếp với nhau một cách thoải mái mà không còn bị hạn chế bởi kinh tế hoặc địa lý.
 

nhan dien dung co hoi nghe nghiep
Nguồn: Gazzette.gokmu.com


Tôi đang theo học khóa đào tạo trực tuyến về chiến lược trong bối cảnh CMCN 4.0 của Columbus Business School (IVY). Tôi hoàn toàn được thuyết phục và đồng ý với nhận định công nghệ giúp giáo dục và đào tạo bứt phá rất nhanh về chất lượng. Nếu không trải nghiệm sẽ khó hình dung hết công nghệ sẽ thay đổi tư duy của chúng ta ra sao. Hiện nay, cái cần thay đổi nhất là tư duy và tư duy lại.

Ví dụ: trong lĩnh vực giáo dục, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào các giờ học sẽ mang đến cái nhìn trực quan và toàn diện nhất cho học sinh. Trong ngành du lịch, sự phát triển của công nghệ thực tế ảo sẽ mang đến lợi ích cho cả du khách lẫn những nhà cung cấp dịch vụ, những người không có thời gian hoặc không đủ điều kiện vẫn có thể du lịch tại gia với trải nghiệm đặc biệt chưa từng có. Hay trong ngành y, công nghệ thực tế ảo giúp ích cho công tác chữa bệnh, nghiên cứu lẫn quá trình hồi phục của bệnh nhân...

Vừa qua, Holomia - một startup công nghệ Việt Nam - gây bất ngờ khi giành giải thưởng lớn tại IDEALS Show APEC 2017. Holacare - một sản phẩm sử dụng công nghệ thực tế ảo có khả năng hỗ trợ bác sĩ toàn cầu hội chẩn và chẩn đoán bệnh. Giải pháp của Holocare được đánh giá là phá vỡ những trở ngại về không gian, giúp các bác sĩ trên toàn thế giới có thể cùng tham gia hội chẩn trên môi trường 3D sinh động. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc rút ngắn thời gian chờ đợi, đem lại cơ hội được chữa trị kịp thời cho các bệnh nhân.

Hay với công nghệ 3D scanning của Holomia trong lĩnh vực du lịch, người dùng vào trang web của Holomia là có thể xem di tích một cách sống động nhất... Các không gian sẽ được số hóa, chuyển thành không gian ảo, khiến du khách có thể trải nghiệm bất cứ lúc nào với cảm giác như đang đứng ngay tại đó, mọi chi tiết trong không gian đều được tái hiện 100%.

Với khả năng ứng dụng không giới hạn, tiềm năng của công nghệ thực tế ảo không chỉ dừng lại ở một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch mà còn có thể thay đổi nhiều ngành nghề khác trong tương lai. Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ thực tế ảo tại Việt Nam vẫn còn gặp không ít những trở ngại do chúng ta còn hạn chế về nguồn nhân lực, chưa có các chương trình đào tạo về công nghệ thực tế ảo.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thanh Ngọc - petrotimes.vn