Đào tạo nghề: Chú trọng đầu ra,Dao tao nghe Chu trong dau ra

#
Trang chủ »TƯ VẤN VIỆC LÀM VÀ QUAN HỆ DOANH NGHIỆP

Đào tạo nghề: Chú trọng đầu ra

 Tập trung cho giáo dục nghề nghiệp là một trong 3 khâu đột phá được ngành LĐ-TB&XH đặt ra trong năm 2019. Theo đó sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả, đồng bộ phục vụ công tác tuyển sinh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, ổn định về đầu ra cho người học.


Đào tạo nghề năm 2019 được kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá.

Kỳ vọng bứt phá trong năm 2019
Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2019 là năm bứt phá để giáo dục nghề nghiệp hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm về lĩnh vực lao động - người có công và xã hội. Theo đó trong năm 2019, dự kiến tuyển sinh 2,26 triệu người, trong đó: trung cấp và cao đẳng: 560 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 1.700 nghìn người. Hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956: 950 nghìn lao động trong đó hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 20 nghìn người khuyết tật.
Để đạt được mục tiêu trên Bộ LĐ-TB&XH xác định sẽ thực hiện các giải pháp phát triển, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường tư vấn hướng nghiệp; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Triển khai thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.
 
Lượng phải song hành cùng chất
Thực tế cho thấy với nhiều giải pháp, chính sách trong năm 2018 giáo dục nghề nghiệp đã đạt được những hiệu quả tích cực. Cụ thể năm 2018, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được 2,21 triệu người, trình độ CĐ và trung cấp là 545 nghìn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.665 nghìn người. Hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 800 nghìn lao động nông thôn học nghề theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, trong đó hỗ trợ khoảng 19.800 người khuyết tật.
Tuy nhiên, việc huy động xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực còn nhiều bất cập, chưa thu hút được đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước, dẫn đến khó khăn trong giám sát và quản lý chất lượng. Bên cạnh đó trong bối cảnh mới của đất nước, xu hướng già hóa dân số, xu hướng phát triển khoa học công nghệ đặc biệt là làn sóng cuộc cách mạng 4.0, vấn đề hội nhập quốc tế đã tạo ra không ít thách thức trong công tác đào tạo và dạy nghề. 
Đứng trước thực trạng này nhằm đáp ứng yêu cầu mới, định hướng đến năm 2030, Bộ LĐ-TB&XH xác định: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Theo đó sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế để nâng cao năng lực quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tập trung tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp; rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo, tập trung hình thành mạng lưới trường nghề chất lượng cao…
Dẫu thế, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Cho dù GDNN là nhiệm vụ được ưu tiên số một, nhưng không có nghĩa chỉ chạy theo số lượng mà đòi hỏi tăng chất lượng. Trong đó chất lượng ở đây là phải toàn diện, chú trọng những ngành nghề, những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao, chuyên môn cao, bắt kịp xu hướng phát triển ở trong nước, cũng như quốc tế. Nhất là những nghề như tin học, ngành nghề du lịch, những nghề các nước phát triển đang đòi hỏi, chứ không chỉ lao động phổ thông như trước.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong năm 2019-2020 khu vực FDI được dự báo sẽ tiếp tục thu hút lao động, rồi đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Do đó lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ chủ yếu xoay quanh nhu cầu này và giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung kết nối doanh nghiệp, những doanh nghiệp như cơ khí, đào tạo, lắp ráp... và một số lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra giáo dục nghề nghiệp sẽ hướng mạnh sang một số lĩnh vực có yêu cầu trình độ cao để phù hợp với ngành nghề mà các nước yêu cầu. Có thể kể đến một số thị trường như: Đức, Thụy Điển, Rumani, Australia, Singapore.. 
(Nguồn Đại Đoàn kết)