Nghề Lặn thi công
Tên nghề: Lặn thi công Trình độ: Trung cấp Thời gian đào tạo: 1.5 năm
CHUẨN ĐẦU RA
(Chuẩn đầu ra nghề Lăn thi công được ban hành theo quyết định số 2770 /QĐ-CĐGTVTTWI ngày 31/12/2020)
1. Giới thiệu chung về nghề
Nghề Lặn thi công là ngành, nghề đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt mà người lao động phải làm việc trong môi trường nước, trực tiếp thực hiện các công việc có liên quan tới thi công, thanh thải, xử lý sự cố, vệ sinh và sơn dưới nước. Việt Nam là đất nước có đường bờ biển dài, việc sử dụng thợ lặn không những góp phần xây dựng công trình ngầm, dầu khí, du lịch mà còn góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững biển đảo của Tổ quốc.
Nhiệm vụ chính của nghề Lặn thi công là Lắp ráp các kết cấu dưới nước; Căt kim loại; khoan cắt bê tông dưới nước; Hàn, lắp ráp kim loại, đường ống; Trục vớt, cứu hộ, cứu nạn; Nổ mìn, thanh thải dưới nước; Sửa chữa, bảo dưỡng và sơn các công trình, tàu thuyền dưới nước.
Để thực hiện tốt công việc và bảo đảm an toàn lao động, người tốt nghiệp nghề Lặn thi công cần sử dụng các dụng cụ bảo hộ lặn như: Quần áo trang thiết bị lặn, bình khí nén, máy nén khí bề mặt, buồng tăng giảm áp để chữa bệnh giảm áp. Môi trường làm việc của nghề là thường xuyên tiếp xúc với nước (mặn, ngọt), tầm nhìn hạn chế, địa hình phức tạp, dòng chảy, thủy triều, sinh vật dưới nước ... nên phải tuân thủ quy định của Luật hàng hải,quy định về an toàn lặn.
Tiêu chuẩn sức khỏe: Người học có đủ sức khoẻ học nghề Lặn theo quy định của Nhà nước tại quyết định số 850/BYT-QĐ ngày 28/9/1988 về việc quy định tiêu chuẩn sức khoẻ nghề Lặn.
2. Kiến thức
- Trình bày được tính chất của môi trường nước và điều kiện để làm việc dưới nước;
- Trình bày được các tín hiệu bằng dây; các phương pháp tìm kiếm vật rơi;
- Trình bày được trình tự sử dụng bộ đàm và camera dưới nước;
- Trình bày được các cách di chuyển trong lòng nước;
- Trình bày được cách đọc đồng hồ đo độ sâu, đo lưu tốc dòng chảy, la bàn;
- Trình bày được trình tự đọc bản vẽ sơ đồ, bản vẽ lắp, bản vẽ chi tiết;
- Trình bày được cách sử dụng, phương pháp bảo quản các trang thiết bị, dụng cụ lặn phổ biến;
- Trình bày được cách sử dụng, phương pháp bảo quản máy đo sâu hồi âm, máy dò kim loại, máy siêu âm dưới nước;
- Trình bày được nguyên lý hoạt động và quy trình vận hành các trang thiết bị lặn như: Máy quay camera dưới nước, bộ đàm dưới nước, máy nén khí cao, thấp áp, máy dò kim loại dưới nước, máy siêu âm dưới nước và các thiết bị khác;
- Trình bày được ảnh hưởng của môi trường nước lên cơ thể, đặc biệt là sự thay đổi áp suất khi ở môi trường độ sâu lớn, phương pháp và cách cấp cứu tai biến nghề lặn;
- Xác định và dự báo được các sự cố khi tiến hành ca lặn có thể xảy ra, để từ đó lập được kế hoạch và đề xuất các biện pháp phòng ngừa và ứng phó phù hợp;
- Mô tả được các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, phòng ngừa và giảm thiểu bệnh nghề nghiệp khi lặn sâu và thời gian lặn dài;
- Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.
3. Kỹ năng
- Thành thạo bơi trườn sấp, bơi ếch;
- Thành thạo lặn vòi thở đơn giản, lặn cấp khí bề mặt, lặn scuba;
- Lặn được ở độ sâu 30m
- Sơ cứu được các tai nạn giảm áp.
- Nhận biết và cảnh báo khả năng xảy ra tai nạn để phòng ngừa tai nạn cho bản thân và người xung quanh;
- Sử dụng thành thạo tín hiệu dây
- Sử dụng thành thạo kỹ thuật quay camera dưới nước, bộ đàm dưới nước
- Sử dụng thành thạo máy đo sâu hồi âm, máy dò kim loại dưới nước, máy siêu âm mối hàn dưới nước;
- Sử dụng thành thạo các dụng cụ cầm tay thông dụng;
- Sử dụng thành thạo máy sói, hút, máy tẩy hàu hà, máy cấp khí bề mặt, máy nén khí cao áp;
- Thành thạo quy trình nạp bình khí nén scuba;
- Di chuyển thành thạo trong lòng nước
- Thành thạo các phương pháp tìm kiếm vật rơi;
- Đọc thành thạo bản vẽ sơ đồ, bản vẽ chi tiết, bản vẽ lắp;
- Đọc và lập được bảng thủy triều, tính con nước;
- Đọc chính xác đồng hồ đo độ sâu, đo lưu tốc dòng chảy, la bàn;
- Sử dụng thành thạo các dụng cụ định vị neo, rùa, phao điểm.
- Bảo dưỡng, vệ sinh đúng kỹ thuật các dụng cụ và thiết bị lặn; giám sát được công tác bảo dưỡng, đánh giá được mức lão hóa của các thiết bị lặn; hiệu chỉnh được thiết bị như máy quay camera dưới nước, máy bộ đàm dưới nước, máy nén bình cao áp; cài đặt được các thông số thiết bị;
- Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; ứng dụng công nghệ thông tin trong một số công việc chuyên môn của ngành, nghề;
- Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 1/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào một số công việc chuyên môn của ngành, nghề.
4. Mức độ tự chủ và trách nhiệm
- Thực hiện công việc với tình thần trách nhiệm cao, cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh lao động;
- Có khả năng làm việc độc lập hoặc theo nhóm;
- Phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện công việc;
- Chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được giao.
- Có khả năng làm việc độc lập và giải quyết được những tình huống thông thường trong thực tế;
- Tổ chức thực hiện được các công việc được giao và phối hợp tốt với đồng nghiệp khi thực hiện công việc;
- Tuân thủ các quy định tại nơi làm việc, bảo đảm an toàn lao động, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh công nghiệp;
- Chủ động, nghiêm túc và chịu trách nhiệm về kết quả công việc của bản thân trước lãnh đạo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:
- Lặn lắp ráp kết cấu;
- Lặn cắt kim loại, khoan bê tông;
- Lặn hàn kim loại, xử lý làm kín;
- Lặn trục vớt;
Người tốt nghiệp nghề Lặn thi công làm việc ở: Công ty trục vớt, cứu hộ, cứu nạn; Công ty thủy lợi, giao thông, dầu khí, thủy điện; Công ty Lặn du lịch; Công ty xây dựng công trình ngầm; Công ty xây dựng công trình an ninh, quốc phòng.
6. Khả năng học tập, nâng cao trình độ
- Người học sau tốt nghiệp có năng lực tự học, tự cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi nghề để nâng cao trình độ hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn trong cùng ngành nghề hoặc trong nhóm ngành nghề hoặc trong cùng lĩnh vực đào tạo./.
HÌNH ẢNH CỦA NGHỀ
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO